Sóng 2G là gì ?
Để hiểu đơn giản, khái niệm mạng truyền sóng 2G gắn với hình ảnh chiếc điện thoại “cục gạch” phổ biến trong thập niên 90s, đáp ứng gọi thoại, nhắn tin, không hỗ trợ kết nối internet như các điện thoại 3G, 4G hay 5G hiện nay.
Mạng 2G là thuật ngữ chỉ các hệ thống thông tin di động thế hệ thứ 2 (Second Generation) được triển khai từ năm 1990, sử dụng công nghệ di động mặt đất GSM. Mạng 2G cho phép mã hóa tín hiệu các cuộc hội thoại dưới dạng kỹ thuật số, cung cấp các dịch vụ dữ liệu khác nhau cho điện thoại di động, cho phép nhiều người dùng hơn trên mỗi dài tần so với mạng 0G và 1G.
Tại sao cần tắt sóng mạng 2G?
Tắt sóng 2G đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới và đã chứng minh được các hiệu quả to lớn, như giúp tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn, tối ưu chi phí vận hành và khai thác cho hệ thống mạng 4G; giúp các nhà mạng tăng hiệu quả kinh tế; giúp mạng 4G chạy nhanh hơn, phục vụ tốt hơn cho người dân. Bên cạnh đó, đa số người dân đã nâng cấp thiết bị của mình và không còn sử dụng mạng 2G nữa nên không có lý do gì để tiếp tục giữ lại hệ thống mạng di động cũ, thay vào đó là đẩy mạnh sự phát triển của mạng 4G/5G. Vì vậy, việc tắt sóng 2G vô cùng cần thiết vì sự an toàn của người dân cũng như an ninh quốc gia.
Ngày 27/09/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn 4833/BTTTT-CVT về việc định hướng chủ trương chung để triển khai kế hoạch và lộ trình dừng công nghệ di động 2G cũ trên toàn quốc. Theo đó, các nhà mạng sẽ không thực hiện tắt sóng 2G đồng loạt mà theo lộ trình và thời hạn chậm nhất là Tháng 9/2024. Tuy nhiên, tại một số nơi, nhà mạng vẫn có thể duy trì mạng 2G đến Tháng 9/2026 để cung cấp dịch vụ cho những thuê bao 3G/4G chưa có tính năng gọi thoại theo công nghệ VoLTE.
Mục đích của tắt sóng 2G nhằm thúc đẩy 100% người dân sử dụng điện thoại thông minh để tiếp cận các dịch vụ số đa dạng; giúp Chính phủ giải phóng băng tần dành cho công nghệ cũ chuyển sang dùng công nghệ mới, mang mại hiệu quả cao hơn; đồng thời, thúc đẩy xã hội số, kinh tế số và Chính phủ số; giúp người dân được chuyển sang sử dụng các dịch vụ băng rộng 4G, 5G chất lượng cao hơn; giúp doanh nghiệp loại bỏ công nghệ cũ ra khỏi mạng lưới, giảm bớt chi phí khai thác và cũng góp phần phát triển công nghệ xanh.